Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, từ ngày 01/01 đến 10/01/2021: Cộng sản Việt Nam kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù giam

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 10/01/2021

 

Ngày 5/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết án ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt tổng cộng 37 năm tù và chín năm quản chế. Riêng Chủ tịch Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị phạt 15 năm tù, mức án tù cao nhất từ ​​trước đến nay cho tội danh này trong khi Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn bị phạt 11 năm tù mỗi người. Họ cũng bị buộc phải nộp phạt hành chính từ 180 triệu đồng (7.760 Mỹ kim) đến hơn 1 tỷ đồng. Họ bị buộc tội viết nhiều bài báo có hại cho chế độ cộng sản và điều hành trang web của IJAVN và nhận hỗ trợ tài chính ở nước ngoài để tài trợ cho các hoạt động chống phá nhà nước.

Sau phiên tòa, Cao ủy Nhân quyền LHQ, EU, Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), FIDH, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, … đã lên án chế độ của Việt Nam, yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ba nhà hoạt động cũng như những người phản biện ôn hoà khác.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), cùng với Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại California và tổ chức Cứu trợ Nhân quyền có trụ sở tại Úc đã ra thông cáo chung kêu gọi chế độ cộng sản Việt Nam tôn trọng các cam kết quốc tế và trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, bao gồm cả ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Ba ngày sau, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố HCM bác đơn kháng cáo của 4 thành viên nhóm Hiến Pháp, giữ nguyên án tù đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và các ông Ngô Văn Dũng, ông Lê Quý Lộc, và ông Hồ Đình Cường, những người bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt từ 5 năm đến 8 năm tù trong phiên xử sơ thẩm ngày 31/7/2020. Họ là một trong tám thành viên của nhóm bị bắt cóc ở đầu tháng 9/2018 và bị khởi tố về cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự. Họ bị kết án nhiều khả năng là do họ đã tham gia cuộc biểu tình ở thành phố HCM vào ngày 10/6/2018 nhằm phản đối hai dự luật về Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, và có kế hoạch tổ chức biểu tình ôn hòa vào đầu tháng 9 cùng năm.

Vào ngày 7 tháng 1, một tòa án huyện ở tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Facebooker Nguyễn Văn Nhanh một năm tù giam vì “xúc phạm” các quan chức địa phương mà anh cho rằng đã phạm sai sót trong quản lý đất đai ở địa phương. Anh bị cáo buộc thực hiện các buổi phát trực tiếp trên Facebook vào tháng 5-6 năm ngoái, trong đó anh “nói xấu” Chủ tịch huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu và bà Lương Thị Lan.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã kết tội ba Facebooker Nguyễn Đăng Thương, Huỳnh Anh Khoa và Trần Trọng Khải về tội “lợi dụng tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì đã điều hành một nhóm Facebook mở thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội của Việt Nam. Vào ngày 21/12, Tòa án nhân dân huyện đã tuyên phạt họ lần lượt 18 tháng, 15 tháng và 12 tháng tù. Ba Facebooker không được trợ giúp pháp lý trong thời gian bị giam giữ trước khi xét xử và trong phiên điều trần. Người thân của họ không được phép vào phòng xử án để theo dõi phiên xử.

Một ngày sau, chính quyền ở Cần Thơ đã bắt giữ nhà hoạt động nữ Lê Thị Bình và buộc tội “lợi dụng tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Họ cáo buộc cô đăng những dòng trạng thái chống đối nhà nước trên trang Facebook của mình. Nhà hoạt động 45 tuổi này cũng là thành viên của nhóm Hiến Pháp.

Việt Nam vẫn là một trong những nhà tù lớn nhất ở châu Á dành cho các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội, Facebooker và những người bảo vệ nhân quyền, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Theo thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền, chế độ cộng sản giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống vô nhân đạo trong các trại tù và trại tạm giam trên toàn quốc.

===== 05/01 =====

Ba thành viên HNBĐL bị kết án 37 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”

Ngày 05/01, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với tổng mức án là 37 năm về tội danh “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam. Ông là sáng lập viên và là chủ tịch hội kể từ khi hội được thành lập vào năm 2014. Ông bị bắt vào tháng 11 năm ngoái, và bị biệt giam trong 1 năm. Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn đều bị kết án 11 năm tù giam. Ông Thuỵ bị bắt vào tháng Năm nay nay còn ông Tuấn bị bắt một tháng sau đó.

Mức án 15 năm tù giam là cao nhất cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.” Năm ngoái, ông Nguyễn Trung Lĩnh bị kết án 12 năm cũng vì tội danh này.

Theo cáo trạng, ông Dũng và ông Thụy cùng 39 người khác thành lập “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” vào năm 2014 với mục đích “đấu tranh, làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay.” Ông Dũng, với vai trò chủ tịch, sau đó cho thành lập trang web “Việt Nam Thời báo” đăng các “nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam” đồng thời “lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam,” cáo trạng nói.

Phiên toà được tổ chức trong điều kiện an ninh bị thắt chặt. Chỉ một người trong gia đình của mỗi bị cáo được phép vào trong phòng xử án để chứng kiến phiên toà kéo dài từ đầu giờ sáng đến đầu giờ chiều.

Nhiều người hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn bị an ninh đến canh gác gần nhà và không cho họ rời khỏi nhà.

Vụ bắt giữ và xét xử 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một phần của chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền trong nhiều năm qua và được tăng cường trong nhiều tháng gần đây khi đảng cộng sản cầm quyền chuẩn bị đại hội toàn quốc lần thứ 13. Hàng trăm người đã bị bắt giữ và kết án với những bản án hà khắc với những tội danh hết sức mơ hồ trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự.

Theo số liệu của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống hết sức hà khắc trong các trại giam và trại tạm giam trên toàn quốc.

———————

Hoa Kỳ, EU phản đối Cộng sản Việt Nam kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin Hoa Kỳ và Liên minh Châu (EU) vừa lên tiếng về bản án “khắc nghiệt” và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) vừa bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án hôm 05/01.

Trong thông cáo đưa ra ngày thứ Ba, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện sự thất vọng về những bản án nặng nề đối với Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn. Thông cáo cũng bày tỏ sự lo ngại về xu hướng bắt giữ và kết án nhiều năm tù giam nhằm vào các công dân Việt Nam chỉ vì họ thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam.

Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng ra thông cáo kêu gọi cộng sản Việt Nam bảo đảm các hành động của mình phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

Trong ngày 06/01, Phát ngôn viên EU ra thông cáo nói việc tuyên phạt 3 nhà báo trên là một diễn biến tiêu cực. Thôngcáo nói cộng sản Việt Nam đã ký kết nhiều công ước quốc tế về nhân quyền và cam kết dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án nhiều nhà báo độclập và bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.

Đài Á châu Tự do (RFA) cũng công khai lên án việc kết tội đối với ông Nguyễn Tường Thụy- là một trong nhiều blogger của đài. RFA nói việc tuyên án nặng nề ba nhà báo độc lập là một sự tấn công trực diện vào các quyền tự do căn bản và nhắm thẳng vào quyền tự do biểu đạt được qui định trong hiến pháp Việt Nam.

Nhiều chính khách và tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi cộng sản Việt Nam trả tự do cho 3 ông và hàng trăm người hoạt động khác.

===== 06/01 =====

Cộng sản Việt Nam bị quốc tế lên án vì kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bị lên án và chỉ trích bởi nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế sau khi kết án 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với mức án nặng nề trong phiên toà ngày 05/01.

Chỉ vài giờ sau khi các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án từ 11 đến 15 năm, Cao ủy Chính phủ Liên bang Đức về Chính sách Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo tại Văn phòng Đối ngoại Liên bang, Bärbel Kofler đã lên tiếng. Bà nói cộng sản Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế và cả hiến pháp Việt Nam, kêu gọi Hà Nội không bỏ tù những công dân thực hiện quyền của họ.

Hai tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đều phản đối việc kết án 3 ông. Họ nói mức án mà 3 ông phải chịu vô cùng nặng nề chỉ vì thực hành các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin.

Trong khi đó, 3 tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Human Rights Relief Foundation và Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) ra thông cáo chung yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam huỷ bỏ các bản án, xoá bỏ các tội danh và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 3 nhà báo độc lập, những người bị biệt giam trong nhiều tháng trước khi bị xét xử một cách không công bằng.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cũng ra thông cáo báo chí khẳng định hội và các thành viên không vi phạm pháp luật Việt Nam và hoạt động ôn hoà nhằm bảo vệ nhân quyền và phản biện để giúp Việt Nam phát triển bền vững.

===== 07/01 =====

Facebooker bị phạt tù vì chê lãnh đạo huyện bất tài, không có đạo đức

Sáng 07/01/2021, Toà án Nhân dân huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vừa tuyên phạt Facebooker Nguyễn Văn Nhanh, 29 tuổi, ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom 1 năm tù về tội danh “làm nhục người khác” theo Điều 155 của Bộ luật Hình sự. Người bị anh Nhanh “làm nhục” là bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom, và bà Lương Thị Lan, phó chủ tịch.

Trước đó, bà Châu và bà Lan tham gia cuộc họp đối thoại giữa người dân xã Bàu Hàm với các viên chức huyện Trảng Bom để giải quyết việc tranh chấp đất, làm ảnh hưởng quyền lợi của anh Nhanh, cùng một số người dân tại Bàu Hàm. Trong cuộc họp này, khi người dân nói lên ý kiến của mình thì bà Châu, bà Lan tỏ thái độ bề trên, không thèm lắng nghe người dân nói, rồi bỏ về.

Điều này khiến người dân và anh Nhanh bất mãn. Sau đó, anh Nhanh đã sử dụng tài khoản Facebook của mình phát trực tiếp, nói bà Châu là loại người không có đạo đức, cấp dưới của bà làm mà bà không biết, không nhắc nhở thì bà chính là kẻ bất tài, độc ác, vô dụng, không có đạo đức, không có trình độ, năng lực, kiến thức.

Những lời nói chân thật của anh Nhanh đã khiến cho bà Châu, và Lan cay cú, trả thù anh bằng cách sai khiến công an vào cuộc, rồi đưa vụ án ra toà để dùng quyền lực áp bức anh. Tại phiên toà, cả bà Lan và bà Châu bị xem là bị hại nhưng vắng mặt. Anh Nhanh đã yêu cầu hoãn phiên toà nhưng không được chấp nhận.

===== 08/01 =====

Cao uỷ Nhân quyền LHQ bày tỏ lo ngại về việc kết án 3 nhà báo độc lập

Vào ngày 08/01, Phát ngôn nhân Ravina Shamdasani của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc ra thông cáo về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với những bản án hết sức nặng nề.

Bà Shamdasani nói vệc kết án Chủ tịch Hội Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên toà ngày 05/01 là một diễn biến đáng quan ngại dường như thuộc một phần của chiến dịch đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc cộng sản Việt Nam sử dụng nhiều điều luật mơ hồ để bắt giữ độc đoán ngày càng nhiều nhà báo độc lập, bloggers, Facebooker và người bảo vệ nhân quyền. Đây là sự vi phạm Điều 19 Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Cơ quan nhân quyền quốc tế cũng nói nhiều người hoạt động ôn hoà ở Việt Nam bị giam giữ lâu dài và bị xét xử không công bằng về các cáo buộc phạm tội an ninh quốc gia.

Kêu gọi cộng sản Việt Nam trả tự do cho những người bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền cơ bản, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc cũng thúc giục Hà Nội sửa đổi các điều khoản thuộc phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với những nghĩa vụ của Việt Nam theo Điều 19 của ICCPR.

==========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây