Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 12, từ ngày 20/3 đến 26/3/2023: TNLT Đặng Đình Bách kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 26/3/2023

Nhà hoạt động Đặng Đình Bách, người đang thụ án 5 năm tù về tội danh nguỵ tạo “trốn thuế” tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), đã kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự.

Ông cho rằng chế độ độc đảng hiện nay ở Việt Nam coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe doạ an ninh chính trị và tiến hành việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai.

Ông cũng cho rằng nhà nước phải bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và quyền con người.

Ông Bách cũng có kế hoạch tuyệt thực dài hạn từ 24/6 để đòi được trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức.

Trong khi đó, nhà báo tự do Lê Mạnh Hà đã rút đơn kháng cáo bản án tám năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 mà Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra trong phiên toà sơ thẩm vào tháng 10 năm ngoái.

Gia đình cho biết ông Hà không tin tưởng vào sự công minh của pháp luật Việt Nam và do vậy sẽ khó được tự do hay được giảm án nếu kháng cáo.

Hiện ông đã bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam).

Ngày 20/3, toà án thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kết án Facebooker Nguyễn Như Phương 15 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý” trong phiên xử sơ thẩm sáng ngày 20/3.

Ông Phương bị bắt vào ngày 30/8/2022 cùng nhóm bạn trong một quán karaoke ở thành phố Bà Rịa vì công an phát hiện nhóm có sử dụng ma tuý. Công an còn phát hiện có ma tuý ở bàn uống của nhóm.

Tuy nhiên, ông Phương, một người thường xuyên lên tiếng về nhiều vấn đề của Việt Nam và chỉ trích nhà cầm quyền trên Facebook trong thời gian du học và lao động ở Nhật Bản, không bị xử ngay về cáo buộc liên quan đến sử dụng và tàng trữ chất cấm, mà bị điều tra và kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong phiên toà ngày 26/12 năm ngoái, ông bị toà án tỉnh An Giang kết án năm năm tù giam và ba năm quản chế về tội “làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.” Sau khi đã bị kết án, ông tiếp tục bị điều tra về việc sử dụng ma tuý.

Gia đình cho biết ông là một người chú tâm vào việc làm ăn và không sa vào tệ nạn xã hội. Ông đi chơi với bạn, vào quán bar uống nước và ngủ cho đến khi bị đánh thức dậy và sau đó là công an ập tới. Gia đình nghi ngờ có âm mưu hại ông vì những hoạt động chỉ trích chính phủ.

Và một số tin khác

=================

TNLT Nguyễn Như Phương bị kết án 15 tháng tù vì “tàng trữ và sử dụng ma tuý”

Ông Nguyễn Như Phương, còn được biết với tên “Phương Hàng Nhật”- người thường lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Việt NAM trong thời gian du học và lao động tại Nhật Bản, bị Toà án Nhân dân thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kết án 15 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý” trong phiên xử sơ thẩm sáng ngày 20/3.

Ông Phương bị bắt vào ngày 30/8/2022 cùng nhóm bạn trong một quán karaoke ở thành phố Bà Rịa vì công an phát hiện nhóm có sử dụng ma tuý. Công an còn phát hiện có ma tuý ở bàn uống của nhóm.

Tuy nhiên, ông Phương, một người thường xuyên lên tiếng về nhiều vấn đề của Việt Nam và chỉ trích nhà cầm quyền trên Facebook trong thời gian du học và lao động ở Nhật Bản, không bị xử ngay về cáo buộc liên quan đến sử dụng và tàng trữ chất cấm, mà bị điều tra và kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong phiên toà ngày 26/12 năm ngoái, ông bị toà án tỉnh An Giang kết án năm năm tù giam và ba năm quản chế về tội “làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.” Sau khi đã bị kết án, ông tiếp tục bị điều tra về việc sử dụng ma tuý.

Gia đình cho biết ông là một người chú tâm vào việc làm ăn và không sa vào tệ nạn xã hội. Ông đi chơi với bạn, vào quán bar uống nước và ngủ cho đến khi bị đánh thức dậy và sau đó là công an ập tới. Gia đình nghi ngờ có âm mưu hại ông vì những hoạt động chỉ trích chính phủ.

Ông Phương, 32 tuổi, còn được biết với cái tên Nguyễn Phương. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền có tham gia nhóm No-U Sài Gòn, một nhóm chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng… cùng với những người Việt đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản, trước khi trở về Việt Nam và lập gia đình riêng năm 2022.

Chi tiết:

TNLT Nguyễn Như Phương bị kết án 15 tháng tù vì “tàng trữ và sử dụng ma tuý”, gia đình nghi ngờ bị “gài”

Công an Đắk Lắk chưa kết thúc điều tra vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” của giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước

Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa kết thúc điều tra vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” của giảng viên cao đẳng âm nhạc Đặng Đăng Phước sau hơn sáu tháng kể từ ngày bắt giữ ông.

Ông Phước, 60 tuổi, là giảng viên âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ông bị bắt ngày 08/9/2022 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án từ năm năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Đầu tháng 1 vừa qua, công an tỉnh Đắk Lắk đã gia hạn thời gian tạm giam ông Phước ba tháng lần một và có thông báo cho gia đình.

Vợ ông, bà Lê Thị Hà đã được gặp ông ngay sau khi hết thời hạn bốn tháng điều tra. Công an Đắk Lắk có cho bà được gặp chồng và từ tháng 1 tới nay bà đều gặp chồng ở trại tạm giam mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, luật sư của ông vẫn chưa được phép vào gặp ông.

Ông Phước là một trong số 11 người bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” năm 2022. Trước khi bị bắt, ông thường xuyên lên tiếng trên Facebook về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn giáo dục, vi phạm nhân quyền, tiêu cực của quan chức và bất công trong xã hội.

Đọc thêm:

Đắk Lắk: Vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” của giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước chưa kết thúc điều tra

HRW cáo buộc Việt Nam dối trá khi trả lời LHQ về vụ mất tích của nhà hoạt động Trung Quốc Đổng Quảng Bình

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng Chính phủ Việt Nam là bên biết rất rõ nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc – Đổng Quảng Bình ở đâu, tuy nhiên lại nói “không có thông tin gì” khi trả lời Liên Hiệp Quốc.

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), năm nay 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Ông được cho là bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần ba năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Canada như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó.

Trong công văn đề ngày 15/3/2023 phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva viết: “Sau quá trình xác minh, cơ quan chức năng Việt Nam không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam.”

Trong công văn chất vấn Chính phủ Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, ba Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cho biết, họ nhận được thông tin nói rằng ông Đổng Quảng Bình bị công an Việt Nam bắt giữ tùy tiện, lần cuối người ta thấy ông ở Hà Nội trong tình trạng bị còng tay và bịt mắt, bước vào một chiếc xe cảnh sát và bị áp giải bởi hơn một chục nhân viên an ninh Việt Nam.

Hội Toronto vì Dân chủ ở Trung Quốc (TADC), một tổ chức xã hội dân sự ở Canada, cho biết nếu bị trả về Trung Quốc, ông Đổng Quảng Bình có thể sẽ phải đối mặt với việc bắt bớ tùy tiện, bỏ tù bất công, xét xử bất công, điều kiện nhà tù vô nhân đạo, tra tấn và ngược đãi.

Theo tổ chức Safeguard Defenders có trụ sở ở Tây Ban Nha, ông Đổng Quảng Bình là một trong ba nhà hoạt động Trung Quốc bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi họ lánh nạn ở quốc gia này và trục xuất họ về nước trong vài năm gần đây.

HRW cáo buộc Việt Nam dối trá khi trả lời LHQ về vụ ông Đổng Quảng Bình mất tích

TNLT Đặng Đình Bách kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự

Nhà hoạt động Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm ở Trại giam số 6 kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự và những người hoạt động, đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông chuyển thông điệp qua vợ ông:

“Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe doạ an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai.

Đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và quyền con người.”

Người từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) thông báo về kế hoạch tuyệt thực của mình từ ngày 24/6, là dịp kỷ niệm hai năm ngày ông bị bắt.

Ông tuyên bố sẽ nhịn ăn đến chết để đòi được trả tự do vô điều kiện vì ông cho rằng bản thân bị kết tội “trốn thuế” một cách oan ức trong một vụ án chính trị. Kể từ ngày 17/3 tới thời điểm tuyệt thực, ông sẽ giảm ăn, chỉ ăn một bữa tối thay vì ba bữa mà trại giam cung cấp.

Ông Bách bị bắt ngày 24/6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” liên quan đến các khoản tài trợ cho các dự án thực hiện bởi LPSD. Trong phiên toà vào cuối tháng 1 năm ngoái, ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam và nộp phạt khoảng 1,3 tỷ đồng mà toà xác định là số tiền trốn thuế.

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã phong toả tài khoản ngân hàng của cá nhân ông Bách, và đe doạ sẽ tịch thu căn hộ của hai vợ chồng để bán đấu giá lấy tiền trừ vào khoản nộp phạt trên. Đây là nơi cư trú duy nhất của bà vợ và con nhỏ gần hai tuổi.

Ông Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm 2020. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

DAG được thiết lập theo qui định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA.

Một thành viên khác của VNGO-EVFTA là nhà báo Mai Phan Lợi cũng bị kết tội “trốn thuế” và bị kết án 45 tháng tù vào tháng 1 năm ngoái.

Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà rút đơn kháng cáo bản án sơ thẩm

Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà, người bị kết án tám năm tù giam và năm năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 vì các hoạt động trực tuyến, đã rút đơn kháng cáo và bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) từ ngày 07/3.

Ông Hà, 53 tuổi, bị bắt ngày 10/01/2022 cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Ông bị kết án bởi Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong phiên toà vào cuối tháng 10 năm ngoái.

Ngay sau phiên toà, ông có kháng cáo vì cho rằng mình vô tội và chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, gần đây ông thay đổi ý định, vì cho rằng khó có khả năng thay đổi bản án với nền tư pháp không độc lập hiện nay.

Ông Hà sở hữu kênh YouTube Tiếng Dân TV Lê Hà và tài khoản Facebook có tên là “Tiếng dân TV – Tiếng nói người dân Việt” chuyên tư vấn pháp lý cho người dân bị mất đất trong việc đòi quyền lợi chính đáng của họ và đưa tin về dân oan khắp cả nước.

Cáo trạng nói ông làm 21 video clip và 13 bài viết có nội dung “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng tải trên hai trang Facebook “Dân oan và nhà báo” và “Dân oan Thuỷ điện,” và kênh YouTube “Tiếng Dân TV Lê Hà.”

Đọc thêm:

TNLT Đặng Đình Bách kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự

Canada xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm quy định về lao động của CPTPP

Chính phủ Canada đồng ý xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và Chương 19 (Lao động) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trên trang web của mình, Chính phủ Canada cho biết Ottawa đưa ra quyết định trên sau khi nhận được một bản đệ trình dưới dạng “Thông tin Công cộng” theo Chương 19 (Lao động) của Hiệp định CPTPP vào ngày 15/3 vừa qua.

Bản đệ trình này là của Liên hội Người Việt Canada (VCF) với sự trợ giúp của các hiệp hội thành viên VCF tại Canada, Cộng đồng Người Việt tại Nam Úc, và Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn Chính trị tại Âu Châu có trụ sở tại Pháp.

Theo đó, bản đệ trình cáo buộc rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19 (Lao động) của CPTPP liên quan đến “quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể” theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Trong đệ trình, VCF đề nghị Văn phòng Hành chánh Quốc gia Canada (NAO) thuộc Bộ Lao động và Phát triển Xã hội Canada thực hiện một số hành động, bao gồm cả việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của Chương 19 của CPTPP.

Chính phủ Canada cho biết NAO sẽ kiểm tra nội dung bản đệ trình và báo cáo về các vấn đề được nêu ra trong vòng 180 ngày kể từ ngày nội dung “Thông tin Công cộng” được chấp nhận để xem xét hoặc ngày gửi bất kỳ nội dung bổ sung nào.

Trong thông cáo báo chí công bố cùng ngày 21/3, VCF cho rằng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ quyền tự do nào, kể cả quyền tự do lập hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn duy nhất được phép hoạt động hợp pháp lại do nhà nước điều hành và kiểm soát. Điều này vi phạm trắng trợn quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể theo Tuyên bố của ILO, hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các công đoàn độc lập và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Canada tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia một năm sau đó. Đây là hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi hiệp định này.

Canada xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm quy định về lao động của CPTPP

Kon Tum: Phó Chủ tịch mời linh mục về xã làm việc khi đang dâng lễ

Chính quyền xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tiếp tục ngăn cản linh mục và giáo dân thuộc giáo họ Phaolo thực hiện nghi lễ trong tuần thứ ba liên tiếp trong nỗ lực ngăn chặn việc sinh hoạt tôn giáo của 20 gia đình trong giáo họ này.

Theo một số video giáo dân cung cấp, vào khoảng 5 giờ 30 chiều 22/3, khi thánh lễ do linh mục Phanxico Xavie Lê Tiên đang tiến hành tại nhà nguyện của giáo họ, công an và dân quân tự vệ cùng một số người mặc thường phục đến vây quanh vị tu sĩ.

Trong một video, người đàn ông mặc thường phục tự xưng tên là Thạch – Phó Chủ tịch xã Đắk Nông chỉ ngón tay vào người tu sĩ và chất vấn “ông này là ai” và yêu cầu dừng làm lễ để lên Uỷ ban Nhân dân xã làm việc. Tuy nhiên, vị linh mục tiếp tục thực hiện nghi lễ của mình.

Sau đó, một phụ nữ, được giáo dân xác định là một phó chủ tịch xã, tiến đến bàn thờ tế lễ tự ý gấp cuốn kinh thánh mà linh mục đang đọc ôm vào người và bỏ đi nhưng bị giáo dân phản đối. Một người mặc thường phục khác tắt đèn của nhà nguyện trong tiếng đọc kinh của giáo dân.

Nhân chứng cho biết phía chính quyền yêu cầu tất cả giải tán nhưng không ai đồng ý. Sự việc chỉ kết thúc lúc 8 giờ tối khi linh mục Lê Tiên đồng ý ký vào biên bản và rời hiện trường để về giáo xứ Đắk Jắk. Khi đó người của chính quyền mới rời khỏi khu vực.

Đây là buổi lễ thứ ba liên tiếp chính quyền địa phương ngăn cản việc dâng lễ của linh mục và giáo dân của giáo họ Phaolo. Hai lần trước cũng diễn ra tương tự, và công an còn đòi thu giữ xe máy của giáo dân nhưng bị phản đối dữ dội.

Giáo họ Phaolo bao gồm 20 gia đình dân tộc Kinh từ hai xã Đắk Nông và Đắk Dụng thuộc giáo xứ Đắk Jắk, giáo phận Kon Tum. Giáo họ này được thành lập từ năm 2017 nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương công nhận và luôn tìm cách ngăn cản linh mục và giáo dân dâng lễ vào mỗi tối thứ tư hàng tuần.

Giáo họ có dựng một nhà nguyện bằng gỗ nhưng nhiều lần cán bộ địa phương đe doạ sẽ phá bỏ, một giáo dân cho biết.

Chính quyền tỉnh Kon Tum đã nhiều năm tìm cách ngăn chặn việc thực hành tự do tôn giáo. Nạn nhân bao gồm giáo dân Công giáo và tín đồ của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên và một số nhóm tôn giáo độc lập khác.Ko

Đầu tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) về tự do tôn giáo của bộ này. Nếu sau một thời gian Việt Nam vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định vào Danh sách quan tâm đặc biệt (CPC) là mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Kon Tum: Phó Chủ tịch mời linh mục về xã làm việc khi đang dâng lễ

Cựu TNLT Phan Kim Khánh nói Trại giam Nam Hà buộc tù nhân lao động không công

Ông Phan Kim Khánh, một nhà hoạt động thúc đẩy tự do báo chí và chống tham nhũng vừa mãn hạn tù sáu năm hôm 21/3, cho biết tù nhân ở Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) bị buộc lao động suốt tuần mà không được trả công.

Ông Khánh, 30 tuổi, bị bắt vào cuối tháng 3/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ (1999) và sau đó bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết án sáu năm tù giam và bốn năm quản chế. Sau phiên toà, ông bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Nam Hà hay còn gọi là trại Ba Sao của Bộ Công an.

Ông Khánh cho biết Trại giam Nam Hà bắt buộc tất cả tù nhân ở đây phải đi lao động, nói rằng đây là nghĩa vụ.

Sản phẩm đồ thủ công làm bằng mây tre này dường như được xuất khẩu sang thị trường EU, tuy nhiên, trại giam không đề cập đến chuyện trả công cho người tù.

Ông cho biết trại giam buộc tù nhân lao động năm ngày trong một tuần. Tuy trại giam không đưa ra định mức lao động nhưng nếu tù nhân nào từ chối lao động hoặc làm việc không tích cực sẽ bị kỷ luật không được gặp người thân hay nhận quà, và không được xét giảm án.

Đối với tù nhân chính trị, mặc dù có làm việc tích cực nhưng không chịu nhận tội cũng không được giảm án, như trường hợp của chính ông, ông Khánh cho biết.

Ông cho biết việc chăm sóc sức khoẻ của tù nhân rất kém, chỉ được khám chữa bệnh qua loa ở trạm xá của trại. Người bị bệnh nguy hiểm và cần được chữa trị ở bệnh viện chuyên khoa sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi đề nghị được chữa trị bên ngoài.

Theo ông Khánh, vì không được trại giam cho đi chữa bệnh đau dạ dày, tù nhân lương tâm Lê Thanh Tùng, người đang thi hành án tù 12 năm, đã tuyệt thực từ ngày 19/3 để phản đối.

Chế độ dinh dưỡng cung cấp cho tù nhân chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Luật thi hành án hình sự dù bị buộc lao động bắt buộc và không được trả công.

Là một tín đồ Công giáo, ông Khánh được gia đình gửi cho một cuốn kinh thánh, tuy nhiên, ông không được mang về phòng mà phải để lại ở thư viện, và chỉ được sử dụng một ngày trong tuần. Thậm chí cán bộ quản giáo cũng không cho phép những người có cùng đức tin tụ họp để sinh hoạt tôn giáo, vì mọi hoạt động tụ tập đều bị cấm.

Ông cho biết, tù nhân trong trại thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm từ khói đốt rác của trại giam, một số tù nhân lên tiếng phản đối nhiều lần nhưng ban giám thị trại giam vẫn lờ đi không chịu giải quyết.

Ông Khánh bị bắt chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp Đại học, ông từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Thái Nguyên.

Ông là một người dẫn chương trình được nhiều sinh viên trong trường biết đến, ngoài ra ông là một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của chính phủ Hoa Kỳ.

Ông sáng lập và điều hành một số tờ báo mạng độc lập như báo Tham Nhũng và Tuần Việt Nam, viết về các vấn đề của Việt Nam, trong đó có quốc nạn tham nhũng của các quan chức. Các hoạt động báo chí cũng chính là lý do ông bị bắt.

Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2020 xác định vụ bắt giữ ông là tuỳ tiện và vi phạm nhiều quyền cơ bản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), hai công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Cựu TNLT Phan Kim Khánh: Trại giam Nam Hà buộc tù nhân lao động không công

======= end =======