TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục đòi tự do sau khi Toà án Tối cao trả lời khiếu nại

TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục đòi tự do sau khi Toà án Tối cao trả lời khiếu nại
Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TPHCM hôm 20/1/2010 (AFP)

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án năm thứ 14 của bản án 16 năm tù, tiếp tục có đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại và trả tự do ngay lập tức. Đơn mới nhất được lập sau khi ông nhận được văn bản trả lời của Toà án Nhân dân Tối cao về các khiếu nại của bản thân trong năm năm qua.

Thông tin trên được em trai của ông, ông Trần Huỳnh Duy Tân, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong ngày 18/7, ba ngày sau khi gia đình thăm ông Thức ở Trại giam số 6 (Nghệ An).

Theo ông Tân, anh ruột của ông ngày 12/7 nhận được văn bản số 253/TANDTC-V1 do Phó vụ trưởng phụ trách Nguyễn Thị Bình của Vụ Giám đốc Kiểm tra 1 ký với nội dung bác bỏ các khiếu nại của ông Thức trong thời gian qua.

Văn bản 253 của Tòa án Nhân dân Tối cao gửi vào trại giam cho anh Thức là  văn bản đầu tiên của Tòa án Nhân dân Tối cao sau 5 năm kể từ ngày đầu tiên anh Thức anh gửi đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại.

Anh Thức không đồng ý với  văn bản trả lời của Tòa án Nhân dân Tối cao và anh đã làm ngay đơn sau đó gửi đi. Nội dung chính của đơn này trả lời lại, phản hồi lại cái văn bản 253 đó.”

Tại văn bản 253, Toà án Nhân dân Tối cao khẳng định ông Thức bị kết tội theo Khoản 1 của Điều 79 BLHS 1999 vì “Anh là người phạm tội với vai trò là người tổ chức (người chủ mưu, người cầm đầu, người chỉ huy thực hiện tội phạm) … và thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo Khoản 3 của Điều 109 BLHS 2015. Do đó, anh không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/7/2017 của Quốc hội để xem xét miễn phần hình phạt còn lại.”

Tuy nhiên, theo ông Tân, ông Thức khiếu nại căn cứ vào Điều 7 (nguyên tắc áp dụng điều luật mới có lợi cho người bị kết án) và Điều 14 (miễn chấp hành hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999) trong Bộ luật Hình sự 2015 chưa sửa đổi, và ba nghị quyết, Nghị quyết 144/2016/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân Dân Tối cao khẳng định giá trị hiệu lực của các điều luật trên.

Anh Thức yêu cầu trả tự do cho ảnh căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa sửa. Bộ luật này yêu cầu miễn hình phạt còn lại cho những người bị kết án vì chuẩn bị phạm tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo BLHS năm 1999.

Ảnh bác bỏ những cái điều mà trả lời của cái văn bản 253 này là cái chỗ là Bộ luật Hình sự 2015 (chưa sửa- PV) yêu cầu phải miễn hình phạt còn lại cho những người bị kết án theo cái chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật Hình sự năm 1999.

Anh Thức nói rằng cái bản án kết tội ảnh theo Điều 17 và Điều 79 (của BLHS năm 1999) vốn đã rất võ đoán rồi nhưng nó đã thể hiện rõ những hành vi dùng để kết tội anh Thức chính là hành vi chuẩn bị phạm tội.

Cái đó là cái điểm thứ nhất. Cái điểm thứ hai thì anh Thức anh yêu cầu là trả tự do cho ảnh là áp dụng là Điều 14 và Điều số 7 của Bộ luật Hình sự 2015 (chưa sửa- PV).”

Về văn bản trả lời của Toà án Nhân dân Tối cao, ông Tân nói:

Văn bản 253 này thì Tòa án Nhân dân Tối cao ở viện dẫn những quy định về chuẩn bị hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi năm 2017- PV) làm căn cứ cho cái việc miễn hình phạt còn lại thì cái điều này sai, hoàn toàn sai với căn cứ những quy định yêu cầu về pháp lý anh Thức anh áp dụng ở bên trên để yêu cầu trả tự do cho anh.

Văn bản 253 này thật sự là một cái văn bản không có sự chuẩn bị nghiêm túc với số văn bản bị tẩy xoá và sửa lại bằng tay rất là không nghiêm túc. Nội dung của văn bản này  lập lờ né tránh cho thấy Toà án Nhân dân Tối cao không thể tìm ra bất kỳ căn cứ gì đúng luật pháp để không miễn hình phạt còn lại cho anh Thức.

Sau từng ấy năm, họ không tìm được lý do, lý lẽ gì để bác bỏ yêu cầu của anh Thức và họ chỉ chỉ trả lời một cách né tránh, không rõ ràng như vậy.”

Ông Tân cho biết gia đình ông sẽ tiếp tục gửi đơn đến Toà án Nhân Dân Tối cao và các cá nhân, cơ quan hữu quan để yêu cầu nhà chức trách thượng tôn pháp luật mà trả tự do cho ông Thức.

Ông Thức, sinh năm 1966, là một doanh nhân thành đạt về lĩnh vực viễn thông. Năm 2009, ông bị bắt cùng với các ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Cáo trạng nói ông có các hành vi “thành lập tổ chức chống Nhà nước có tên gọi ‘Nhóm nghiên cứu Chấn’ và tham gia các hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi ‘Đảng Dân chủ Việt Nam.’”

Ông còn bị cho là “làm ra 53 tài liệu và tàng trữ 07 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng CSVN và sự điều hành của Chính phủ, phục vụ cho hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù, ba người còn lại bị kết án từ năm năm đến bảy năm.

Bình luận về yêu cầu đòi trả tự do và miễn chấp hành hình phạt còn lại của ông Thức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng hành nghề luật sư ở Việt Nam nhiều năm trước khi bị bắt và bị buộc lưu vong ở Đức, nói:

Lập luận của anh Thức nói rằng anh chỉ là đang trong quá trình chuẩn bị phạm tội thì nó hoàn toàn là là chính xác. Suy luận này về mặt logic pháp luật quốc tế thì đúng nhưng mà về mặt logic của pháp luật của nhà nước độc tài Cộng sản Việt Nam thì nó không đúng theo cách giải nghĩa pháp luật hay là cách bình luận pháp luật để mà cho các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam như là cơ quan điều tra và cơ quan công tố và cơ quan tòa án tức cơ quan xét xử để mà thực hiện thì cách lập luận và giải thích của anh Thức là không đúng.

Bởi vì theo quan điểm của họ một hành vi theo Điều 109 được coi là hoàn tất quá trình phạm tội khi anh đã thành lập hoặc anh đã trở thành thành viên chính thức của đảng này (Đảng Dân chủ Việt Nam- PV) và trên thực tế thì anh Thức đã là thành viên chính thức của Đảng Dân chủ Việt Nam- một tổ chức đã được khôi phục hoạt động vào tháng 6 năm 2006.

Cách giải nghĩa luật cũng như cách áp dụng pháp luật của Nhà nước Việt Nam là anh chỉ cần thành lập tổ chức xong, anh là thành viên hoặc là anh đã tham gia vào một tổ chức được thành lập rồi thì coi như tội phạm của anh đã được hoàn tất. Đây là tội phạm hình thức nó không đòi hỏi cái hậu quả xảy ra- tức là không đòi hỏi anh phải có hành vi nào ví dụ như đi biểu tình hay hô hào lật đổ chính quyền thì mới coi là hoàn tất hành vi.”

Ví dụ áp dụng luật tương tự trong trường hợp của ông Thức của các cơ quan tố tụng Việt Nam mà ông Đài chỉ ra là việc kết tội mười thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ năm 2018-2019 theo Khoản 1 của Điều 109 BLHS 2015.

Ông Đài cho biết Hội Anh em Dân chủ thành lập năm 2013 với mục tiêu cổ suý và bảo vệ quyền con người vốn được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Mười thành viên, trong đó có các ông Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội… bị bắt trong thời gian 2016-2017.

Khi mà chúng tôi bị bắt thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng như tòa án lập luận thế này: Các anh thành lập Hội Anh em Dân chủ với mục đích là cổ suý quyền con người. Lúc các anh có ít người thì không vấn đề gì cả nhưng mà khi các anh có số lượng thành viên đông áp đảo thì lúc đó bản thân các anh cũng mất quyền kiểm soát cái tổ chức của anh vào lúc đó (tổ chức) sẽ hành động lật đổ chính quyền. Và như vậy các anh thành lập hội nhân dân chủ với mục đích nhằm tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân.

(Kể cả) Nếu diễn giải như vậy thì chúng tôi phạm vào Khoản 3 của Điều 109- cái tội phạm của chúng tôi chưa hoàn tất, giống như cách diễn giải của anh Thức nhưng họ lập luận hành vi của chúng tôi đã hoàn tất quá trình phạm tội và chúng tôi vẫn bị áp theo Khoản 1 của Điều 79 cũng như Điều 1 của Điều 109.”

Theo luật sư Ngô Ngọc Trai của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, việc kết án ông Thức theo Khoản 1 Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 là chưa chính xác vì kết quả điều tra cho thấy ông Thức chưa gia nhập một tổ chức chống chính quyền nào và ông cũng mới chỉ thành lập một nhóm có tên gọi là “Nhóm nghiên cứu Chấn”- chỉ gồm năm người trong đó có ông Thức và ba nữ nhân viên, người cuối cùng đã sớm rời nhóm này trước khi vụ án bị khởi tố.

Theo luật sư Trai, cơ quan tố tụng xoáy vào nhóm nghiên cứu đó và quy cho đó là tổ chức chống chính quyền, nhưng thực ra đó không phải là tổ chức. Nhóm đó chỉ vài người không có điều lệ nội quy tổ chức, không có tên gọi của tổ chức, không có phân cấp trên dưới, số thành viên ít ỏi.

Đó chỉ là cơ chế sinh hoạt của một cá nhân, của việc nghiên cứu, cái khả dĩ nhất có thể chấp nhận được thì đó chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị nào đấy trong tương lai xa mà thôi. Và do vậy xét theo sự phạm tội thì đó mới chỉ là hành vi chuẩn bị. (RFA)