Phóng viên Không Biên giới lên án việc bắt giữ ba blogger tại Việt Nam

Phóng viên Không Biên giới (RSF), ngày 25/01/2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Phóng viên Không Biên giới lên án các vụ bắt giữ mang tính “phòng ngừa” đối với ba blogger-nhà báo công dân trong vài ngày qua trong thời gian ngắn trước tết cổ truyền, và kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích họ ngay lập tức và xóa bỏ tất cả các cáo buộc chống lại họ .

Nạn nhân mới nhất là Trần Thị Nga, một blogger nổi tiếng còn được biết dưới tên Thúy Nga, đã bị bắt tại nhà của cô ở tỉnh Hà Nam vào ngày 21/01. Là mẹ của hai đứa con nhỏ, Nga sử dụng blog của mình để bảo vệ người lao động di cư và người có đất bị tịch thu bởi chính quyền địa phương.

Bị tố cáo đăng bài trực tuyến “chống nhà nước”, cô đã bị buộc tội theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, đối mặt với án tù giam từ ba đến 20 năm tù về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Nguyễn Văn Oai, một nhà báo công dân đã từng bị tù đày trong quá khứ, đã bị bắt vào ngày 19/01 tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc chống người thi hành công vụ và rời khỏi nhà của mình trong thời gian quản chế.

Bị bắt năm 2011 và bị kết án bốn năm tù giam cộng với ba năm quản chế theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự (xử phạt “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”). Oai được trả tự do vào tháng 8 năm 2015 sau khi hoàn thành án tù.

Điều 79 và 88 của Bộ luật Hình sự là hai điều thường được sử dụng nhất để nhằm bịt miệng các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến.

Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa đã bị biệt giam trong hơn một tuần sau khi anh bị bắt vào ngày 11/01. Chỉ mới cách đây hai ngày, gia đình anh được thông báo về việc bắt giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước “ theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Gần đây, Hóa thường đưa tin về các cuộc biểu tình chống nhà máy théo Formosa Hà Tĩnh, một nhà máy thép của Đài Loan sở hữu chịu trách nhiệm về một vụ xả chất thải công nghiệp gây ra cái chết của hàng ngàn tấn cá vào tháng Tư năm 2016.

“Làn sóng bắt giữ trước dịp tết Nguyên đán phản ánh tình trạng căng thẳng của chế độ khi xã hội dân sự có cơ hội để phản ánh vi phạm quyền con người nói chung,” ông Benjamin Ismail, người đứng đầu của RSF tại châu Á-Thái Bình Dương nói.

“Các blogger và nhà báo công dân không làm gì khác hơn là đưa tin về các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm về các hành vi vi phạm các quyền của công dân. Nói cách khác, họ bảo vệ lợi ích chung. Tuy nhiên, điều khủng khiếp là việc bảo vệ lợi ích chung và quyền con người được coi là tuyên truyền chống nhà nước ở Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế lên tiếng để yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.”

Cùng với việc quấy rối, đe dọa và tấn công vật lý vào những blogger trực tính và những người thân của họ, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẵn sàng thực hiện các vụ bắt giữ mang tính phòng ngừa, những vụ bắt giữ có thể được coi là mất tích, nhằm bịt miệng những người phản biện trước những sự kiện quốc gia.

Tháng Mười năm ngoái, RSF lên án chính sách của chính phủ Việt trong việc cô lập các nhà báo và blogger và cấm đoán một cách có hệ thống không cho họ xuất cảnh để tiếp cận với thế giới.

Việt Nam bị xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí thế giới của RSF vào năm 2016.

Nguồn: RSF decries arrests of three activist bloggers in Vietnam